SỰ CỐ LỆCH DẦM, NỨT BÊ TÔNG ĐỆM RAY METRO TÁC ĐỘNG CÔNG TRÌNH RA SAO?

“Nếu vết nứt tại các bộ phận phụ trợ thì vẫn có thể thay thế. Trong trường hợp kết cấu chính của dầm bị nứt thì chắc chắn phải dỡ bỏ ngay lập tức”, chuyên gia cầu đường phân tích.

NỨT BÊ TÔNG ĐỆM RAY METRO TÁC ĐỘNG RA SAO

Đạt hơn 78% tổng khối lượng, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên được thành phố đặt kỳ vọng hoàn thành và đưa vào khai thác sớm nhất năm 2021. Song, sự cố gối cầu cao su (tại ga Công Nghệ Cao) trượt khỏi đá kê vào cuối tháng 10 đặt ra nhiều lo ngại về chất lượng và tuổi thọ kết cấu công trình.

Dưới góc độ kỹ thuật, các chuyên gia nhận định gối dầm rơi là sự cố hiếm gặp. Họ cho rằng một trong những khả năng khiến gối dầm bị trượt có thể do thi công cao độ không chuẩn. Trong khi đó, Liên danh Sumitomo – Cienco 6 (SCC) cho biết nhà thầu vẫn đang nỗ lực tìm hiểu và cần ít nhất một tháng để làm rõ nguyên nhân.

Vì sao gối dầm bị trượt?

Theo đánh giá ban đầu của ngành giao thông và xây dựng (TP.HCM), gối cầu cao su bị rơi khiến đầu dầm chữ U tại vị trí P14-10 (phía gối cầu) lệch xuống khoảng 8,5 cm. Các thanh ray gác qua 2 dầm chữ U cũng bị bong bật khỏi bệ đỡ. Đồng thời, một số vị trí của bê tông bệ đỡ đường ray xuất hiện nhiều vết nứt cục bộ.

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Phạm Văn Phê (Khoa Công trình, Đại học GTVT) cho rằng trước hết phải đánh giá nguyên nhân vì sao gối cao su bị rơi khỏi dầm cầu cạn. Để nhận định được điều này cần lập hội đồng đánh giá nguyên nhân, chạy mô phỏng, phân tích các vật liệu…

Đối với vết nứt bê tông đệm đường ray, theo ông, phải xem xét vết đó là nứt chịu lực hay nứt cục bộ. Bản chất bê tông là vật liệu không chịu được lực kéo. Khi qua kiểm tra, các thông số vẫn đảm bảo khả năng chịu lực thì vẫn có thể khai thác bình thường hoặc có một số giải pháp gia cường. Việt Nam có nhiều công nghệ sửa chữa vấn đề này.

Cùng quan điểm, một chuyên gia khác trong lĩnh vực nghiên cứu công trình cho rằng trong khi đoàn tàu vẫn chưa vận hành chính thức trên đường ray, chúng ta không có nhiều căn cứ để xác định nguyên nhân cụ thể.

Tuy nhiên, chuyên gia này nói “không có lý do nào thuyết phục” để giải thích việc gối cao su bị rơi ra ngoài. Mà có thể trong quá trình lắp đặt, thi công cao độ chưa chuẩn dẫn đến cao độ gối không đạt.

Ông lấy ví dụ, khi trải tấm ván trên sàn nhà và kê 6 chiếc gối để ngồi lên. 6 chiếc gối này có thể rơi ra ngoài, nếu không được đặt cao độ hợp lý. Giống như gối cao su đang bị kẹp giữa dầm cầu và đế cầu, sẽ không có chuyện gối bị trượt, trừ khi mặt tiếp giáp không tốt.

Khả năng thứ 2, vị này cho rằng không loại trừ nhưng xác suất rất thấp để làm gối dầm bị rơi, đó là lực gây trượt khi dầm co giãn, trong đó có lực dọc và lực ngang.

“Có 2 loại gối cố định và di động. Trong khi gối cố định được neo cố định vào xà mũ trụ cầu bên dưới thì gối di động cho phép lăn trượt. Với gối cao su, gối này biến dạng qua lại theo hình bình hành để dầm trượt, co giãn theo thanh dọc. Tuy nhiên, mức độ trượt cực kỳ nhỏ nên khó có thể đẩy gối dầm rơi ra khỏi đá kê”, chuyên gia phân tích.

Chuyên gia công trình đề cập việc đầu dầm chênh không quá nguy hiểm vì đây là hiện tượng thường gặp ở các công trình đường bộ. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng cần xét đến là sự cố có làm thay đổi, tác động trong kết cấu chính.

Ông cho rằng để có hướng suy luận chính xác, chúng ta phải dựa vào nhiều tình huống như mức độ nghiêng của dầm. Khi nghiêng, dầm có bị vặn hay không?

Khi nào buộc phải dỡ dầm?

Trong thời gian chờ kết luận, liên danh SCC đã thay tạm gối dầm mới để giữ ổn định nhịp dầm P14-9/10. Tuy nhiên, chủ đầu tư lo ngại sự cố kéo theo nguy cơ nứt vỡ bản đáy, thành dầm thép tấm … Đây là một trong số các kết cấu chính ảnh hưởng khả năng chịu lực và tuổi thọ các kết cấu công trình.

Theo chuyên gia, bê tông bị nứt chỉ khi chịu quá khả năng ứng suất. Tuy nhiên, để đánh giá mức độ nghiêm trọng của vết nứt, chúng ta phải xét theo vị trí bị nứt thuộc bộ phận nào.

“Trong kết cấu có những bộ phận đơn giản như đệm đàn hồi, để khi tàu lăn bánh tạo ra xung kích. Nếu vết nứt tại các bộ phận phụ trợ thì vẫn có thể thay thế. Trong trường hợp kết cấu chính của dầm bị nứt thì chắc chắn phải dỡ bỏ ngay lập tức chứ không thể dùng lại nữa”, ông nhấn mạnh.

Quan sát qua ảnh, vị này nhìn nhận vết nứt có thể nằm trên bộ phận dầm kê dọc ở giữa. Tức là vết nứt này thuộc bộ phận kết cấu chịu lực rời (từ trên đường Thép ray truyền xuống). Do đó, nhà thầu không khó để thay thế phần hư hỏng.

Tiến sĩ Phạm Văn Phê cho rằng có nhiều nguyên nhân có thể khiến dầm bị nứt, như thi công xong không bảo dưỡng theo quy định, hoặc do điều kiện thời tiết. Với trụ bê tông, thời tiết khắc nghiệt (quá nóng) có thể làm bê tông co ngắt nhanh, hoặc nếu chịu lực kéo quá lớn thì cũng dẫn tới bị hư hỏng.

Tiến sĩ khoa công trình cho rằng cần phải có đầy đủ hồ sơ đánh giá, số liệu mới có thể đưa được nhận định chính xác và giải pháp cụ thể. Trường hợp dầm không thể tiếp tục sử dụng mà phải tháo dỡ ra thì khả năng dỡ một đoạn của nhịp đó để thi công lại chứ không đến mức tác động đến toàn bộ công trình.

Dựa vào những thông tin báo chí phản ánh và hình ảnh chưa rõ, ông đánh giá sự cố này không đến mức quá nghiêm trọng, có thể khắc phục để vận hành tuyến metro bình thường.

Tiến độ metro sẽ ra sao?

Ông Mai Hoàng Tùng, kỹ sư điều phối tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), cho biết ngay khi phát hiện sự việc, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã phối hợp với các đơn vị nhà thầu liên quan rà soát toàn bộ công trình.

“MAUR đang cố gắng nhanh nhất để tìm ra nguyên nhân và khắc phục sự cố. Đồng thời chúng tôi rất nỗ lực bám sát tiến độ dự án để không bị ảnh hưởng, tình trạng chậm trễ nào xảy ra”, kỹ sư Tùng nói và cho biết tiến độ dự án vẫn đang được kiểm soát.

Ông Tùng cũng đề cập sự cố rơi gối dầm tại vị trí cầu cạn VD14 thuộc phạm vi công trình đang thi công. Nghĩa là công trình chưa được bàn giao cho MAUR là chủ đầu tư. Do đó, liên danh SCC có trách nhiệm hoàn toàn trong việc khắc phục sự cố và đảm bảo chất lượng công trình lần này.

Contact Me on Zalo
0917676383