“Ánh sáng nơi cuối đường hầm”
Tưởng chừng thép Việt hết đường vào Mỹ, thị trường xuất khẩu thép lớn thứ hai của Việt Nam, khi bị áp thuế tới hơn 250% thì Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) lên tiếng “mức thuế này có thể bị vô hiệu hóa trong năm nay”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch VSA giải thích “Việt Nam đã đầu tư rất nhiều tiền và nhân lực để nâng cao chất lượng các sản phẩm thép chứ không phải chuyển đổi gia công qua loa sản phẩm thép Trung Quốc rồi xuất khẩu như cáo buộc của từ Mỹ”.
“Trước đây, 100% thép cuộn cán nóng dùng để sản xuất tôn mạ và thép cuộn cán nguội của Việt Nam phải nhập khẩu từ nhiều nước trong đó có cả Trung Quốc. Tuy nhiên bắt đầu từ tháng 6/2017, Fomosa đã sản xuất được nguồn nguyên liệu này”, ông Sưa nói thêm.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định rằng tác động của việc Mỹ áp thuế bảo hộ ngành thép sẽ không lớn. Theo đó, Mỹ là quốc gia nhập khẩu thép lớn nhất trên thế giới, tuy nhiên sản lượng nhập khẩu của Mỹ cũng chỉ chiếm 8% tổng thương mại thép toàn cầu.
Mỹ sẽ vẫn buộc phải nhập khẩu thép khi sản xuất nội địa trong ngắn hạn không thể đáp ứng được nhu cầu.
Trong 10 năm trở lại đây, ngành thép của Mỹ ở trạng thái ổn định khi công suất sản xuất gần như không thay đổi (110 – 117 triệu tấn/năm). Hiệu suất sử dụng bình quân của ngành ở mức 73,9% vào năm 2017. Để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ 106 triệu tấn năm 2017, các nhà máy bình quân phải chạy với hiệu suất 95%, mức hiệu suất gần như không thể đạt được đứng trên góc độ quy mô cả một ngành sản xuất.
Việc Indonesia áp thuế chống bán phá giá lên tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam với mức thuế từ 12 – 28,5% trong 5 năm, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng lệnh thuế này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp tôn mạ trong nước.
VDSC giải thích xuất khẩu tôn mạ màu không chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu tôn mạ toàn ngành. Năm 2017, các doanh nghiệp nội địa xuất khẩu trên 1,6 triệu tấn tôn mạ, trong đó chỉ có 278.000 tấn tôn mạ màu, chiếm 17,1%. Gần 3/4 lượng tôn mạ màu sản xuất là phục vụ thị trường trong nước.
Ông Lương Kim Thành – Phó trưởng Phòng xử lý Phòng vệ Thương mại nước ngoài cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia các vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam cần phải củng cố quan hệ với các bạn hàng, đối tác bên phía nước ngoài do lợi ích của nhóm này cũng bị ảnh hưởng bởi vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Mặt khác, doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và nghiên cứu kỹ khi có ý định khi mở rộng công suất.
Triển vọng tăng trưởng 20%
Ngành thép Việt Nam đạt được mức tăng trưởng tích trong nửa đầu năm 2018 khi chỉ số sản xuất tăng tới 43,7% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu Bộ Công Thương.
Bước sang tháng 7, xuất khẩu thép tăng mạnh đạt 598.000 tấn, với trị giá đạt 430 triệu USD, tăng 32,1% về lượng và tăng 22,9% về trị giá. Qua đó, lượng xuất khẩu sắt thép trong 7 tháng đạt 3,41 triệu tấn, trị giá 2,53 tỷ USD, tăng 40,6% về lượng và tăng 56,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Vị thế ngành thép Việt Nam trên thế giới cũng tăng dần qua từng năm. Ông Chu Đức Khải – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VSA cho biết, Việt Nam là nước sản xuất thép thô lớn thứ 24 trên thế giới vào năm 2015, năm 2016 đứng thứ 19, năm 2017 đứng thứ 18 (sản xuất được 11,5 triệu tấn).
Theo Bộ Công Thương, có được sự tăng trưởng tốt như vậy chủ yếu là do kinh tế trong nước tiếp tục duy trì ổn định, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản được triển khai trong năm 2018.
Điều này phù hợp với nhận định của VSA về động lực tăng trưởng ngành được đưa ra hồi cuối năm 2017.
Sau nửa năm 2018, VSA vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng của ngành cho cả năm là 20%. Trong đó, sản xuất thép xây dựng tăng trưởng 10%, thép lá cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15% và sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%.
Động lực cho triển vọng đầy tươi sáng này được cho là đến từ các dự án mới của các công ty thép dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong năm nay.
Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát đưa vào hoạt động dự án thép cán khoảng 600.000 tấn. Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu vào hoạt động với công suất 350.000 tấn. Công ty Tung Ho cũng dự kiến đưa vào dây chuyền sản xuất công suất 600 nghìn tấn thép xây dựng trong 6 tháng cuối năm.
Đặc biệt sản xuất thép tấm cán nóng tăng mạnh nhất 154% so với năm ngoái nhờ vào việc nhà máy thép tấm formosa Hà Tĩnh dự định tăng gấp đôi công suất sản xuất khi đưa lò cao số 2 (công suất 4 triệu tấn/năm) đi vào sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2018 giúp nâng tổng công suất của Fomosa lên 7 – 8 triệu tấn/năm.
Bên cạnh đó, những dự án bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng đang được triển khai và tăng trưởng kinh tế tích cực sẽ là những nhân tố giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép.
Ông Khải nhận định dư địa ngành thép rất lớn. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến 6,7%. Theo đó, ngành thép dự kiến đáp ứng nhu cầu nội địa với mức tăng trưởng tiêu thụ thép khoảng 4%.