Phản ứng trước thông tin này, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) khẳng định thị trường khu vực Đông Nam Á, trong đó có Indonesia chiếm tới 60% lượng xuất khẩu của ngành thép Việt. Đặc biệt, với xuất khẩu thép cán nguội, tôn mạ, Việt Nam đang là nước có năng lực sản xuất mạnh nhất khu vực Đông Nam Á với công nghệ, trình độ ở đẳng cấp cao.
Trước vấn đề này, nhiều quan điểm tỏ ra lo ngại, có thể thép Việt sẽ mất đi thị trường đầy tiềm năng này.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS TS Định Trọng Thịnh, Học viện tài chính khẳng định, việc Indonesia chính thức xác định sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá vào thị trường nước này ở mức từ 12,01% – 28,49% sẽ gây lên khó khăn lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
“Trước Indonesia ít ngày, bộ Thương mại Mỹ cũng đã tuyên bố áp thuế nhập khẩu mạnh tay lên các sản phẩm thép từ Việt Nam nhưng được cho là có xuất xứ Trung Quốc để “né” thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ. Chỉ Mỹ áp thuế thôi thì ngành thép Việt và các sản phẩm từ thép như tôn mạ đã rất khó khăn, nay nếu thêm Indonesia áp thuế với tôn mạ màu nữa thì ngành thép cũng như các sản phẩm từ thép “khó chồng khó”, ông Thịnh bày tỏ quan điểm.
Theo ông Thịnh, hiện tại Việt Nam đang xây dựng hàng loạt các nhà máy luyện cán thép, lượng thép sản xuất ra đã vượt “cầu”. Các doanh nghiệp lớn đang tăng sản lượng sản xuất của mình, như Formosa sẽ nhanh chóng tăng từ 1,5 triệu tấn trong năm nay lên 5-6 triệu tấn trong năm sau nên nếu việc áp thuế như vậy sẽ gây tác động tiêu cực tới vấn đề xuất khẩu của doanh nghiệp.
Về vấn đề giải pháp, ông Thịnh cho rằng trước hết, cần tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới thay thế thị trường Indonesia cũng như thị trường Mỹ.
Ngoài ra, theo quan điểm của ông Thịnh Việt Nam cần điều tra xem nguyên nhân nào khiến Indonesia áp thuế bán phá giá với thép Việt và các sản phẩm của thép. “Khả năng cao là Indonesia nghi ngờ sản phẩm tôn màu của Việt có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, nếu thật sự như vậy thì các doanh nghiệp cần phải chứng minh sản phẩm tôn màu Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, thị trường Indonesia của Việt Nam không phải là “thép Trung Quốc” đội lốt.
Ngoài ra, theo quan điểm của ông Thịnh, giải pháp bền vững nhất cho ngành thép cũng như các sản phẩm từ thép chính là phải tìm nguồn nguyên liệu thép thay thế nguyên liệu Trung Quốc được phía Mỹ chấp thuận. “Hiện tại, ngành thép phải nhập tới 90% nguyên liệu làm thép từ Trung Quốc” – ông Thịnh nhấn mạnh.