Ngành sắt thép rơi vào tình trạng khó khăn

Ngành sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước rơi vào khó khăn, khi vừa phải đối diện với áp lực do hàng giá rẻ nhập từ nước ngoài tràn vào thị trường trong nước, thì nay lại đối diện với tin nóng sắp bị Ủy ban châu Âu kiện điều tra chống bán phá giá.

hông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Cục Phòng vệ thương mại nhận được thông tin về việc Ủy ban châu Âu (EC) đã nhận được Hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại cho hay, trong trường hợp khởi xướng điều tra vụ việc, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ gửi cho các bên liên quan các tài liệu gồm Đơn yêu cầu, Quyết định khởi xướng điều tra và Bản câu hỏi điều tra. Phía EC yêu cầu cung cấp danh sách đầy đủ về địa chỉ, người liên hệ, email của nhà xuất khẩu thép trong đơn khiếu nại, chậm nhất ngày 5/8/2024.

Trước thông báo trên, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị yêu cầu điều tra theo dõi vụ việc và có phương án ứng phó phù hợp.

Tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép. Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép… Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Úc…

Thông tin từ một doanh nghiệp sản xuất thép lớn trong nước cho biết, sản lượng sản xuất thép HRC (thép tấm cuộn cán nóng) của công ty này trong quý II/ 2024 giảm 10% so với quý I/ 2024. Nguyên nhân được xác định đến từ những khó khăn trong tiêu thụ tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Một lượng thép HRC nhập khẩu tràn vào thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 tăng mạnh gây sức ép lớn cho việc tiêu thụ thép HRC của doanh nghiệp này.

Còn đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, giá HRC tại thị trường Việt Nam tuy có tăng lên một nhịp ngắn hạn trong tháng 2/2024 nhưng đã giảm liên tục từ tháng 3 đến hết quý II/ 2024. Thị trường xuất khẩu cũng có nhiều thử thách đến từ tình trạng dư thừa thép cuộn cán nóng cũng như tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại tại các quốc gia nhập khẩu.

Dữ liệu từ cơ quan thống kê cũng cho biết, thời gian gần đây thép HRC giá rẻ liên tục tràn vào Việt Nam. Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.

Kim ngạch nhập khẩu thép HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD. Đáng chú ý, sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rất thấp, bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác 45 – 108 USD/tấn.

Tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng diễn ra trung tuần tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.

Đối với vấn đề thép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường, Bộ Công thương đã thường xuyên rà soát, đánh giá tác động của hoạt động nhập khẩu thép, tiếp nhận phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời bảo vệ doanh nghiệp tại thị trường nội địa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp, tự vệ thương mại) và biện pháp kĩ thuật. Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời, hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại sản phẩm thép ở nước ngoài.

Contact Me on Zalo
0917676383